Trong thời số hóa hiện nay, biết cách kiểm soát thu nhập, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm từ sớm sẽ giúp chúng ta tránh khỏi áp lực tài chính và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn sinh viên vẫn chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng, dẫn đến tình trạng “chi nhiều hơn thu” và gặp khó khăn trong quản lý dòng tiền. Vậy sinh viên cần làm gì để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả? Cùng tìm hiểu trong bài viết này!
Tầm quan trọng của tài chính cá nhân trong kỷ nguyên số
Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, việc quản lý tài chính cá nhân không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một kỹ năng bắt buộc. Sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech) và các hình thức thanh toán trực tuyến đã làm cho các quyết định tài chính của mỗi cá nhân trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Nếu không biết cách kiểm soát thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm, rất nhiều người – đặc biệt là sinh viên – có thể gặp khó khăn tài chính ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Đối với sinh viên, những người mới bước vào cuộc sống tự lập, quản lý tài chính cá nhân không chỉ giúp họ tránh rơi vào khủng hoảng tài chính, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này. Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây của công ty 2Target, hơn 76% sinh viên không nắm rõ về thu nhập cá nhân, và 70% chưa từng lập ngân sách để quản lý chi tiêu. Điều này cho thấy, rất nhiều sinh viên chưa có tư duy tài chính đúng đắn và đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của mình.
Thực trạng về tài chính và quản lý tài chính của sinh viên
Nhìn chung sinh viên còn rất mơ hồ về tài chính của cá nhân. Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân yếu, không nắm rõ được thu nhập, chi tiêu của bản thân, cũng như chưa biết cách thiết lập các khoản tiết kiệm hàng tháng. Điều này dẫn đến thực tế là tình trạng tài chính yếu và gây ra những ảnh hưởng đáng kể lên chất lượng cuộc sống và học tập của sinh viên.
Theo kết quả khảo sát trực tuyến của công ty 2Target năm 2023- 2024 với 1.600 sinh viên tại một số các trường Đại học, Cao đẳng. 46,33% sinh viên thừa nhận mình “thi thoảng”, “hiếm khi”, hoặc thậm chí “không bao giờ” biết được mức thu nhập của bản thân. Đây là một vấn đề đáng báo động, vì thiếu hiểu biết cơ bản về thu nhập là nguyên nhân dẫn đến quản lý tiền bạc kém hiệu quả. Sinh viên càng ít phụ thuộc vào trợ cấp tài chính từ người thân thì càng hiểu rõ hơn về thu nhập của mình.
Hơn một nửa (53,99%) sinh viên mong muốn có thêm hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, trong khi 34,81% tỏ thái độ trung lập, phản ánh sự bàng quan hoặc chưa sẵn sàng hành động. Điều này cho thấy phần lớn sinh viên cần thêm động lực hoặc sự khuyến khích để tham gia các khóa học. Chỉ 11% thể hiện không quan tâm đến việc nâng cao kiến thức tài chính, minh chứng rằng một bộ phận sinh viên vẫn chưa nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Sinh viên cần trang bị gì để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả?
Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, sinh viên cần trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm kiểm soát chi tiêu, tối ưu hóa nguồn thu nhập và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.
Xây dựng tư duy tài chính thông minh
Sinh viên cần hiểu rõ giá trị của tiền bạc và biết cách sử dụng nó một cách hợp lý. Việc phân biệt giữa nhu cầu thực sự và mong muốn cá nhân giúp họ tránh tình trạng tiêu xài hoang phí và tập trung vào những khoản chi tiêu thực sự cần thiết. Tư duy tài chính tốt không chỉ giúp sinh viên thoát khỏi những khó khăn tài chính trước mắt mà còn góp phần định hướng cho những quyết định lớn hơn trong tương lai.
Lập kế hoạch tài chính và quản lý ngân sách
Việc theo dõi thu nhập và chi tiêu hàng tháng giúp họ kiểm soát tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn. Một phương pháp phổ biến là áp dụng nguyên tắc 50-30-20, trong đó:
- 50% thu nhập dành cho các khoản chi thiết yếu như tiền nhà, ăn uống, đi lại;
- 30% dành cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm, giải trí;
- 20% được sử dụng để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Tạo thói quen tiết kiệm từ sớm
Tiết kiệm không chỉ giúp sinh viên có một khoản dự phòng khi gặp tình huống khẩn cấp mà còn giúp họ chủ động hơn trong các kế hoạch dài hạn như học tập, du lịch hay đầu tư. Để hình thành thói quen này, sinh viên có thể bắt đầu bằng những khoản tiết kiệm nhỏ mỗi tháng, chia tiền thành các quỹ như quỹ dự phòng, quỹ học tập và quỹ cá nhân để tránh sử dụng nhằm mục đích. Một cách hiệu quả khác là mở tài khoản tiết kiệm riêng để đảm bảo rằng số tiền này không bị chi tiêu vào những khoản không cần thiết.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Thay vì chỉ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình, họ có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian như gia sư, phục vụ quán cà phê, trợ giảng hoặc tham gia các dự án freelance về viết lách, thiết kế, lập trình. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể thử sức với kinh doanh online hoặc tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lựa chọn công việc phù hợp với lịch học, đảm bảo rằng việc kiếm tiền không ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Hiểu rõ về tín dụng và tránh bẫy nợ
Hiện nay, nhiều bạn trẻ dễ bị thu hút bởi các hình thức mua trước trả sau, thẻ tín dụng hoặc vay tiêu dùng mà không tính toán kỹ lưỡng, dẫn đến nợ nần chồng chất. Để tránh rơi vào vòng xoáy này, sinh viên nên tìm hiểu kỹ về các điều khoản khi sử dụng thẻ tín dụng, luôn thanh toán dư nợ đúng hạn và không vay quá khả năng chi trả. Hiểu rõ về tín dụng không chỉ giúp sinh viên tránh những rắc rối tài chính mà còn tạo nền tảng tốt hơn cho việc quản lý tài chính cá nhân trong tương lai.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi các giao dịch tài chính ngày càng phổ biến và các lựa chọn chi tiêu ngày càng đa dạng, việc trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng đối với sinh viên. Kiểm soát tài chính tốt không chỉ giúp họ có một cuộc sống ổn định hơn trong thời gian học tập mà còn đặt nền móng cho sự thành công trong tương lai. Thay vì để tiền bạc trở thành áp lực, sinh viên nên học cách quản lý, tiết kiệm và đầu tư thông minh ngay từ hôm nay.
Trong kỷ nguyên mới, tài chính cá nhân không còn là vấn đề xa vời mà đã trở thành một kỹ năng sống còn. Sinh viên không chỉ cần học cách kiếm tiền, mà quan trọng hơn là biết quản lý, tiết kiệm và đầu tư đúng cách.
Việc trang bị những kỹ năng tài chính cá nhân không chỉ giúp sinh viên có một cuộc sống ổn định hơn trong hiện tại, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Đừng đợi đến khi gặp khó khăn tài chính mới bắt đầu học cách quản lý tiền bạc.
Chúng tôi hiểu rằng nâng cao nhận thức và kỹ năng về quản lý tài chính không chỉ đơn thuần là việc cung cấp kiến thức, mà còn bao gồm việc tạo ra môi trường thuận lợi giúp sinh viên tiếp cận thông tin và những hỗ trợ cần thiết. Vì vậy, Dự án YOFIN ra đời hướng tới mục tiêu phát triển nền tảng kiến thức và kỹ năng tài chính cá nhân cho sinh viên Việt Nam, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có khả năng quản lý tài chính tự tin và hiệu quả hơn. Qua các chương trình đào tạo, các can thiệp chuyên sâu, hệ thống học liệu, và các công cụ hỗ trợ trực tuyến đa chiều, dự án hy vọng sẽ không chỉ thay đổi nhận thức mà còn tạo ra sự chuyển biến thực tiễn trong hành vi tài chính của sinh viên, từ việc lập ngân sách, quản lý chi tiêu đến việc chuẩn bị cho các mục tiêu tài chính dài hạn.
Dự án YOFIN là một dự án thiết thực để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
=> Xem thêm: Hoạt động chung của dự án YOFIN